Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Thần Hiển
3- Truyền Giáo Đồng Công

Thật vậy, hai mối quan tâm tối hậu và bất khả thiếu này, nên thánh và linh mục, đều liên quan trực tiếp và mật thiết bất khả thiếu và bất khả phân ly với sứ vụ truyền giáo của dòng.

Tại sao? Theo em là như thế này:

1- Sứ Vụ Truyền Giáo: Chứng nhân và Thừa Tác

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị thừa sai chứng nhân.

Nếu truyền giáo là rao giảng Chúa Kitô cho lương dân, cho dân ngoại, cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa Kitô, thì chính vị thừa sai truyền giáo đồng thời cũng phải là vị thừa sai chứng nhân, có nghĩa là rao giảng về Chúa Kitô không phải chỉ bằng lời nói và hoạt động của mình, mà còn bằng chính con người và đời sống hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô của vị thừa sai truyền giáo này nữa.

Đó là lý do ở Ấn độ, cho dù không chính thức giảng đạo cho thế giới Ấn giáo, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng đã rao giảng bằng đức ái trọn hảo của Mẹ, một chủ trương và đường lối được tiếp nối liên tục cho đến bây giờ, qua các chị em dòng Mẹ sáng lập, mang danh xư là Dòng Thừa sai Bác Ái. Vì tình yêu thương chân thật và trọn hảo là ngôn ngữ quốc tế tự nó có mãnh lực tác động lòng người và thu hút con người nhất. Đúng thế, muốn truyền giáo đạt được hiệu năng tối đa thì cần phải sống thánh, và có nên thánh, tức là nên giống Chúa Kitô, nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng thương xót (xem Mathêu 5:48 và Luca 6:36), mới trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Chúa Kitô, trở thành một Chúa Kitô Khác - Alter Christus, nhờ đó mới xứng đáng và có thể làm cho thế nhân nhận biết Chúa Kitô mà được cứu độ.

Vì sứ vụ truyền giáo, cũng như ơn gọi nên thánh, gắn liền bất khả phân ly với thân phận làm môn đệ Chúa Kitô của Kitô hữu, mà nó là những gì bất khả châm chước. Ai trong Nhiệm Thể Giáo Hội cũng phải nên thánh, cũng phải truyền giáo, bằng các hình thức khác nhau, xứng hợp với bậc sống và hoàn cảnh của mình. Điển hình là trường hợp của nữ tu dòng kín Carmêlô vào cuối thế kỷ thứ 19, chỉ âm thầm cầu nguyện và dâng lên Chúa những hy sinh nhỏ mọn của một trẻ thơ trước nhan Chúa, nhưng sau khi chết, Chị đã được Giáo Hội chẳng những tôn phong hiển thánh mà sau đó còn thêm danh hiệu là quan thày các xứ truyền giáo như Thánh Phanxicô Xavier Dòng Tên, vị thừa sai truyền giáo đã vất vả đích thân đến tận Ấn Độ và Nhật Bản xa xôi để truyền giáo cho các dân nước Á Châu này.

Trong Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 8/12/1975, một thành quả từ Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ lần Thứ Ba năm 1974 về việc truyền bá Phúc âm hóa trong thế giới tân tiến,và ở phần IV về các phương pháp truyền bá Phúc âm hóa, vị giáo hoàng chính yếu của Công đồng chung thứ 21 của Giáo Hội là Công đồng Vatican II (11/10/1962 - 8?12/1965) đã đề cập đến 8 phương pháp hay cách thức, mà cách đầu tiên là làm chứng (ở đoạn 41), nhưng ngài vẫn nhấn mạnh đến vai trò và tác dụng của các bí tích (đoạn 47), như được trích dẫn về cả 2 đoạn này thứ tự sau đây:

"Trước hết, đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá phúc âm hóa là việc làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu chân chính cho Thiên Chúa, được tỏ ra bằng mối hiệp thông không gì hủy hoại được, đồng thời cũng được tỏ ra bằng việc hy hiến cho tha nhân với một nhiệt tình vô hạn. Như Chúng Tôi gần đây đã nói với một nhóm giáo dân: 'Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thày dạy, và nếu họ có lắng nghe các thày dạy là bởi vì các vị thày này là những chúng nhân' (2-10-1974: AAS, 66). Thánh Phêrô đã diễn tả điều này rõ ràng khi ngài chủ trương gương lành của một đời sống đáng kính và trong sạch là một việc chinh phục những kẻ từ chối nghe lời nói mà không cần phải nói một lời nào (x.1Pt.3:1). Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hóa cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu - chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện".

"Tuy nhiên, người ta không thể nào nhấn mạnh cho đủ sự kiện là việc truyền bá phúc âm hóa không chỉ có bao gồm việc rao giảng và giảng dạy tín điềuVì việc truyền bá phúc âm hóa phải chạm đến đời sống: một đời sống tự nhiên được nó ban cho một ý nghĩa mới, nhờ những quan điểm phúc âm do nó tỏ ra cho; cũng như một đời sống siêu nhiên, một đời sống không phủ nhận song thanh tẩy và thăng hóa đời sống tự nhiên. Đời sống siêu nhiên này được diễn đạt sống động nơi bảy bí tích, cũng như nơi ánh quang cao qúi của ân sủng và thánh đức ở nơi các bí tích này. Như thế, việc truyền bá phúc âm hóa thực hiện trọn khả năng của mình khi nó chiếm được mối liên hệ thân mật nhất, hay nói đúng hơn, mối giao liên vĩnh viễn và không gián đoạn, giữa Lời và các bí tích". 

 

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị thừa sai linh mục.

Đúng vậy, truyền giáo không phải chỉ ở chỗ rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô cho chung những ai chưa nhận biết Chúa Kitô, được gọi là dân ngoại hay lương dân, thậm chí cho cả những người có đạo, nhưng không phải Kitô giáo, có thể nhờ đó mà nhận biết Người để được sự sống đời đời (xem Gioan 17:3). Tuy nhiên, truyền giáo không phải ở chỗ sau khi lương dân đã nhận biết Chúa rồi là xong, là chấm dứt, là hết chuyện, hạ màn, kết thúc. Nếu vậy thì Thiên Chúa chỉ cần soi sáng cho con người, hay bằng cách nào đó thích hợp tỏ mình ra cho họ là xong, cần gì Ngài phải "hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) làm gì.

Thật ra, yếu tố tối thiểu để được rỗi, được sống đời đời là nhận biết Chúa Kitô (xem Gioan 1:12; 17:3). Đó là trường hợp nguy tử hay trường hợp của những ai sống ngay thẳng theo lương tâm chân chính bởi chưa được nghe rao giảng về Người. Còn những trường hợp bình thường khác, khi có thể, những ai nhận biết Chúa Kitô đều phải tiến đến chỗ quyết liệt này nữa, đó là bày tỏ lòng tin của mình một cách cụ thể và thực tế, qua việc lãnh nhận phép rửa (xem Marco 16:16), để nên một với Chúa Kitô trong Giáo Hội được Người thiết lập và ở cùng, nhờ đó họ có thể hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, đúng như mục đích Thiên Chúa đã dựng nên loài người và nhập thể để ở với loài người nơi Giáo Hội Con của Ngài.

Mà việc ban phát các Bí tích Thánh, khởi đầu bằng Bí tích Thánh tẩy tái sinh, thì thành phần giáo dân hay nữ tu hoặc nam tu thuần túy không đủ thẩm quyền và năng quyền, dù có làm cho lương dân nhận biết Chúa Kitô, tin vào Chúa Kitô. Đó là lý do ở Giáo phận Buôn Mê Thuột là nơi có dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình của Giáo phận đặc trách truyền giáo cho anh chị em Thượng, cả trên 200 giáo điểm khác nhau, thế nhưng dòng Đồng Công vẫn được vị giám mục ở Giáo phận này mời tới, như ở Giáo họ Đắc Nia và ở Giáo xứ Châu Ninh. Bởi vì truyền giáo là một tiến trình Kitô hóa lương dân: bước thứ nhất là làm cho lương dân nhận biết Chúa Kitô; bước thứ hai là làm cho lương dân được nên một với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh tẩy Tái sinh, và bước thứ ba là làm cho thành phần tân Kitô hữu này trở thành chứng nhân tông đồ của Chúa Kitô bằng chính giáo huấn Phúc Âm của Chúa Kitô.

Đó là lý do trong lệnh truyền sai đi của Chúa Kitô mới bao gồm cả một tiến trình Kitô hóa theo 3 bước hay 3 giai đoạn như đã được đề cập đến trên đây: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mathêu 28:19-20): 1- "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ": nghĩa là rao giảng về Chúa Kitô Cứu Thế cho tất cả những ai chưa nhận biết Người ở mọi dân nước bằng ngôn từ, nhất là bằng chứng từ; 2- "làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần": nghĩa là làm cho thành phần lương dân hay dự tòng được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa Ba Ngôi trong Chúa Giêsu Kitô; 3- "dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em": Nghĩa là làm cho thành phần tân Kitô hữu mới sinh từ Phép rửa được lớn lên trong Chúa Kitô và như Chúa Kitô, cho đến độ Người đạt đến tầm vóc thành toàn của Người nơi họ (xem Ephêsô 4:13), biến họ thành chứng nhân của Người.

Cũng trong Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây, ở phần những thừa hưởng viên của việc truyền bá Phúc âm hóa của Giáo Hội, ngài dường như muốn nói tới tiến trình Kitô hóa ở một nghĩa nào đó, tiến trình Phúc âm hóa hay tiến trình truyền giáo 3 giai đoạn như vừa được đề cập đến trên đây, nhưng thành phần thừa hưởng viên này liên quan đến các cộng đoàn Kitô hữu căn bản, mới thành lập và còn nhỏ, như thế này: "Communautés de base mang tính cách giáo hội mới, tương hợp với ơn gọi căn bản nhất của mình, ở chỗ, cộng đoàn cơ bản này là những người được nghe Phúc Âm loan báo cho mình, và là những thừa hưởng viên đặc biệt của việc truyền bá phúc âm hóa này, chính họ sẽ sớm trở thành người loan báo Phúc Âm".

Chính vì sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bất khả thiếu linh mục là thành phần thừa tác để cử hành và ban phát mầu nhiệm thánh, một mầu nhiệm vì tự bản chất là thánh mà thành phần thừa tác cũng phải thánh bao nhiêu có thể mới xứng đáng cử hành và ban phát, mà đối với dòng Đồng Công, theo ý hướng của vị sáng lập, nếu ơn gọi nên thánh là yếu tố chính yếu làm nên Hội Dòng Đồng Công và tu sĩ Đồng Công, thì linh mục chẳng những là yếu tố làm nên cơ cấu Đồng Công, cả về việc quản trị nội bộ cũng như sứ vụ truyền giáo, chẳng khác gì vai trò của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, bao gồm 3 sứ vụ hay vai trò đó là thánh hóa, quản trị và rao giảng (ngôn sứ), mà còn cần là và phải là các vị linh mục thánhcác vị linh mục vì thay cho Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô cử hành mầu nhiệm thánh và ban phát mầu nhiệm thánh là mầu nhiệm cứu chuộc, mầu nhiệm của LTXC, càng cần phải trung thực và sống động phản ảnh Chúa Kitô hơn ai hết, càng phải sống LTXC hơn bao giờ hết trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của mình.

 

Sứ vụ truyền giáo cần đến các vị linh mục thừa sai thương xót.

Cho dù sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo thực sự cần đến vai trò linh mục và năng quyền linh mục, nhưng theo tinh thần Phúc Âm Chúa dạy, thì vị linh mục thừa sai truyền giáo phải là vị linh mục thừa sai thương xót nữa. Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh, trong lệnh sai đi của Người giành cho các vị tông đồ trước khi Người thăng thiên về Trời cùng Cha, Đấng đã sai Người thế nào thì Người cũng sai các môn đệ tông đồ của Người cũng thế (xem Gioan 20:21), ở Phúc Âm Thánh Mathêu (28:19-20) và Thánh Marcô (16:16), như đã được trích dẫn trên đây, có tính cách công cuộc, liên quan đến các công việc rao giảng, tái sinh và thánh hóa của các vị, hơn là tính cách sứ vụ của các vị, tính cách nồng cốt làm nên công cuộc truyền giáo và thánh hóa của các vị, một tính cách sứ vụ truyền giáo là nội dung và là cốt lõi của công cuộc truyền giáo được Người nhắc nhở và truyền dạy cho các vị ở trong Phúc Âm Thánh Luca và Phúc Âm Thánh Gioan.

Ở Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu đã nhắc nhở các vị môn đệ tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người rằng: "Các con là những chứng nhân cho những điều ấy" (Luca 24:48). Nhưng "những điều ấy" được Chúa Giêsu đề cập đến ở đây là những điều nào, nếu không phải những điều Chúa Kitô Phục sinh đã nói với các vị ngay trước đó: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại". Nghĩa là các vị tông đồ được Chúa Kitô Phục sinh sai đi truyền giáo bằng việc "rao giảng cho mọi tạo vật" (Marcô 16:16), "cho mọi dân nước" (Mathêu 28:19), trước hết và trên hết, phải là "những chứng nhân cho vượt qua của Người, ở chỗ các vị đã chứng kiến thấy được "những điều" đã xẩy ra cho Người, đó là Người đã "chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại", một biến cố vượt qua là mạc khải thần linh vô cùng siêu nhiệm cho thấy tất cả LTXC ở nơi Người, Đấng "đã yêu thương những ai thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1). Như thế, "các con là những chứng nhân của Thày về những điều ấy" có nghĩa là các môn đệ tông đồ được Chúa Kitô Vượt Qua sai đi để làm chứng về LTXC và cho LTXC.

Và đó cũng là lý do ở Phúc Âm Thánh Gioan, việc các vị làm, với tư cách là linh mục, khi ban bí tích nói chung, cách riêng Bí tích Giải tội, cũng là việc ban phát LTXC: "Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: 'Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.' Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: 'Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ'." Ở trường hợp này, trước khi ban cho các vị quyền tha tội thay cho Người và nhân danh Người, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ thấy được 5 dấu thánh vẫn còn trên thân xác phục sinh vinh hiển của Người, không phải chỉ để chứng thực rằng Người quả thực đã sống lại, mà còn chứng thực cho các vị về "những điều ấy", về những dấu tích của LTXC nơi Người, và vì thế Bí tích Giải tội khi được các vị ban phát là các vị ban phát LTXC. Như thế, cho dù là sứ vụ và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bất khả thiếu các vị thừa sai linh mục, nhưng phải là các vị linh mục thừa sai thương xót nữa.

Do đó không lạ gì ĐTC Phanxicô khi gặp gỡ riêng các vị linh mục, thường đã nhắc nhở các vị rằng các vị cũng là tội nhân như ai, nên "tòa giải tội không phải là một thứ phòng hành hình, mà là nơi LTXC phấn khích chúng ta tác hành tốt đẹp hơn -The confessional is not a torture chamber, but the place in which the Lord's mercy motivates us to do better."

 

2- Sứ vụ truyền giáo Đồng Công cho Mùa Gặt Thương Xót:

 

Mùa Gặt Thương Xót

Dòng Đồng Công, theo Hiến pháp, là dòng giáo sĩ và truyền giáoTruyền giáo là mục đích của Dòng Đồng Công, ngay sau mục đích trước hết và trên hết là thánh hóa bản thân, là nên thánh, và chính việc nên thánh của Đồng Công cũng là để truyền giáo, chứ không phải chỉ để được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh. Bằng không, việc nên thánh của anh em dòng, hay của bất cứ một Kitô hữu nào, dù được cho là thánh sống, cũng kể như vô nghĩa và vô giá trị, nếu không sinh hoa trái là phần rỗi các linh hồn, bởi việc truyền giáo, không bằng ngôn từ thì bằng chứng từ, không công khai thì thầm kín, vì nên thánh mà không làm chứng cho đức tin của mình bằng đức mến, thì không đúng linh đạo Kitô giáo là "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

Do đó nên, ngay sau khi công bố Hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Đức, một Hiến Chương chất chứa tất cả sự thánh thiện của chung Kitô hữu và của riêng thành phần Kitô hữu chứng nhân tông đồ, Chúa Kitô đã xác định bản chất của các vị tông đồ rằng: "Các con là muối đất... là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13-14). Có nghĩa là chính vì các vị là muối đất và là ánh sáng thế gian mà các vị cần phải sống trọn lành, phải sống Tám Mối Phúc Đức, hay nói ngược lại, các con nên trọn lành theo Hiến Chương Nước Trời Thày vừa dạy cho các con là để các con làm muối đất, làm ánh sáng thế gian, phản ảnh "Thày là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12).

Mạc khải Thánh kinh Cựu ước còn cho thấy rõ ràng hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa "muối đất" thương xót với "ánh sáng thế gian" tông đồ, hay nói cách khác "ánh sáng thế gian" xuất phát từ "muối đất", hoặc nói ngược lại "muối đất" làm bùng lên "ánh sáng thế gian", qua miệng Tiên tri Isaia (58:6-8) như sau: "Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông...".

Chi tiết quan trọng chúng ta cần để ý đến ở đây đó là "muối" trước "ánh sáng" sau, theo thứ tự lời Chúa phán với các vị môn đệ bấy giờ: "Các con là muối đất" (Mathêu 5:13), "các con là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14). Tại sao lại có thứ tự "muối đất" trước và "ánh sáng thế gian" sau như thế, và "muối đất" với "ánh sáng thế gian" đây có liên hệ gì với nhau hay chăng?

Xin thưa: "có", nếu không thì Chúa Kitô là Ngôi Lời vô cùng khôn ngoan đã không nói như vậy. Nhưng ở chỗ nào? Xin thưa, ở chỗ "muối đất" ám chỉ lòng thương xót mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô muốn "nên trọn lành như Cha trên trời" (Mathêu 5:48) phải có, như chính "Cha trên trời là Đấng xót thương" (Luca 6:36), để rồi, chỉ khi nào thành phần môn đệ của Chúa Kitô biết xót thương như "muối đất" ấy mới có thể và xứng đáng làm tông đồ, làm "ánh sáng thế gian", phản ảnh Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian", Đấng cũng đã phản ảnh "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), và là "Dung Nhan Thương Xót - Misericordiae vultus" của Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Do đó, những ai được kêu gọi và tuyển chọn làm môn đệ của Chúa Kitô phải hiện thực sứ vụ tông dồ của mình như là thành phần chứng nhân truyền giáo được sai đến cho một Mùa Gặt Thương Xót vậy.

Thật vậy, nếu nói đến cánh đồng truyền giáo thì không thể nào thiếu hạt lúa miến. Chính nhờ hạt lúa miến là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) mà trần gian này đã trở thành một cánh đồng truyền giáo. Nếu dự án cứu độ và công cuộc cứu độ không thể nào có và xẩy ra nếu Thiên Chúa chỉ là một vị thần công minh và quyền năng, bởi nếu Ngài không thương xót là những gì vượt trên công bằng, ở chỗ "thương xót vượt trên phán quyết - mercy triumphs over mercy / mercy exalts itself above judgment / superexaltat autem misericordia iudicium" (Giacôbê 2:13), ở chỗ "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta khi chúng ta còn là những tội nhân" (Roma 5:8), thì không thể nào có dự án cứu độ trần gian đã xuất phát nhưng không từ LTXC, và đã không bao giờ xẩy ra công cuộc cứu độ là tất cả LTXC đối với con người tạo vật vô cùng thấp hèn cũng là một tội nhân vô cùng khốn nạn.

Chính vì Thiên Chúa là "Cha thương xót trên trời" (Luca 6:36) mới "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Gioan 1:16), đến độ "đã không dung tha cho Con mình, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32). Chính vì thế Chúa Giêsu Kitô quả thực là "Dung Nhan Thương Xót - Misericordiae Vultus" của Chúa Cha (nhan đề bức Tông Thư của ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11/4/2015 để mở Năm Thánh Thương Xót 2016), nhất là khi Người bị treo trên cây thập tự giá như một thứ đồ bị nguyền rủa, để tỏ hết mình ra cũng là tỏ hết LTXC của Cha trên trời là Đấng xót thương ra (xem Gioan 8:28).

Như thế, nhờ LTXC vô biên mà toàn thể loài người đã được cứu độ thì thành phần thừa sai truyền giáo, bắt đầu từ 12 vị tông đồ chứng nhân tiên khởi chính là thành phần Thừa Sai Thương Xót, được sai đến để gặt hái hoa trái của LTXC là các linh hồn đã được Ngài cứu độ nơi Con của Ngài, ở chỗ làm cho lương dân nhận biết "Đấng cứu chuộc nhân trần - Redemptor Hominis" (nhan đề bức Thông điệp đầu tiên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979), trong cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát thế gian này, và vì thế, thời cánh chung chính là Mùa Gặt Thương Xót của chung Giáo Hội mà các vị thừa sai thường thuộc về các dòng truyền giáo (như Dòng Đaminh, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời v.v.) được dự phần vào, trong đó có Dòng Đồng Công ở cánh đồng truyền giáo Việt Nam, một cánh đồng đã từng thấm máu trên 100 ngàn vị anh hùng tử đạo, trong đó có 117 vị được Giáo Hội tôn phong ngày 19/6/1988.

Theo chiều hướng chứng nhân tông đồ thương xót như thế, chiều hướng sống thánh chứng nhân như vậy, nghĩa là theo Phúc Âm Chúa dạy, Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng thương xót được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến "từ tận cùng trái đất" (Lời của vị tân giáo hoàng này khi ngài ngỏ lời đầu tiên với Cộng đồng Dân Chúa và thế giới tối ngày 13/3/2013), vị giáo hoàng đã mở Năm Thánh Thương Xót lần đầu tiên trong Giáo Hội vào năm 2016, vị đã tuyên bố Chúa Kitô là "Dung nhan Thương xót - Misericordiae vultus" của Chúa Cha, đã cải tổ Giáo triều Roma trong tự sắc Rao giảng Phúc âm Praedicate Evangelium ngày 19/3/2022, trong đó, ngài đề cao truyền giáo và đức ái trọn hảo hơn hết, và vì thế Phân bộ truyền giáo là phân bộ đệ nhất, ngay trên đệ nhị phân bộ tín lý đức tin vẫn là đệ nhất trước đó, và phân bộ bác ái đứng thứ 3 trên cả phân bộ phượng tự, bởi vì "đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Giacôbê 2:17), và cần phải xem quả bác ái mới biết cây đức tin (xem Mathêu 7:15-20). Đó là lý do sau khi được ơn lập dòng cho Người Việt Nam có thánh và nên thánh ngày 4/4/1941, sáu tháng rưỡi sau, vào ngày 21/11/1941 cùng nămAnh Cả đã vừa chính thức lập dòng vừa khấn truyền giáo.

 

Đồng Công Truyền Giáo

Tuy nhiên, Anh Cả đã lồng việc Anh khấn hứa truyền giáo với việc lập dòng và dâng dòng cho Mẹ, như hàm ý rằng, dòng Anh lập là để truyền giáo, với những tu sĩ nên thánh, và việc truyền giáo là mục đích ngoại tại của dòng, một dòng Việt Nam và cho dân nước Việt Nam thân yêu mà Anh hằng gắn bó cùng cầu nguyện cho. Thế nhưng, việc truyền giáo không thể nào sinh hoa kết quả, nếu không sống đời tận hiến bé nhỏ bằng lòng tin tưởng vào Chúa Mẹ ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, để nhờ đó, mới được Chúa biến đổi và làm chủ để tỏ lòng thương xót của Ngài ra qua công cuộc truyền giáo, mang lại ơn cứu độ xuất phát từ LTXC và là tất cả LTXC. Anh Cả đã đề cập tới việc anh vừa khấn truyền giáo vừa lập dòng và vừa tận hiến nữa, trước hết trong Lý Tưởng Thánh Đồng Công và sau đó là trong bức Thư Anh gửi cho chung dòng dịp mừng kim khánh 33 năm khai dòng 1986 như sau:

"Ngày 21 tháng 11 năm 1941 là Lễ Kính Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thánh thật là ngày quan trọng đối với con để khởi sự cuộc đời truyền giáo và lập dòng nữaĐúng 12 giờ đêm đầu ngày 21 tháng 11 năm 1941con trịnh trọng sốt sắng đọc bản Kinh Tận Hiến cho Mẹ theo kiểu mẫu Thánh Grinion de Montfort. Tận hiến xong con đọc 150 Kinh Mân Côi rồi đi ngủ lại".

"Đúng thế, anh em thân mến, ánh sáng dịu dàng của Chúa Thánh Linh và Mẹ Maria vừa hé mở (4-4-1941) thì Anh đã đón nhận, suy nghĩ, cầu nguyện bàn hỏi hơn 6 tháng, và sau khi đã chắc chắn, tin tưởng vào Chúa, Mẹ, thì ngày 21-11-1941, Anh đã đọc bản kinh dâng hiến toàn thân và tất cả Hội Dòng trong tương lai cho Mẹ hết. Từ đây nếp sống tận hiến cho Mẹ và nếp sống Bào Thai Thơ Bé Đồng Công khai mào. Cũng từ đây, tất cả những ai xin gia nhập Dòng mới, đều được tận hiến cho Mẹ, sau khi đã thử thách ít ngày hoặc ít tháng;cho đến ngày Dòng được thành Hội truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công, tất cả những ai được tuyển chọn chính thức gia nhập Hội Truyền Giáo Đồng Công, thì chính ngày gia nhập được Tận hiến lại cho Mẹ; cứ tiếp tục như vậy, từ ngày 15-8-1948 cho đến ngày 2-2-1953 là ngày Dòng được thành lập chính thức theo Giáo Luật, các anh em được tuyển chọn làm tu sĩ tiên khởi đã tận hiến lại cho Mẹ. Và từ đấy (2-2-1953) cho đến bây giờ (1986) và cho đến hết đời, tất cả những ai muốn gia nhập Tập viện Dòng ĐC, hoặc cả lớp, hoặc cá nhân đều phải học hỏi về việc Tận hiến và sống Tận hiến ít là một tháng trước khi vào Tập viện".

Theo em, một THĐC, đã về Việt Nam với anh em THĐC 2 lần, 2017 và 2022, cách nhau 5 năm, em đã thấy được những kỳ công truyền giáo do chính anh em linh mục thừa sai của dòng thực hiện, ở các khu vực truyền giáo của quí anh, khiến em không thể nào không chúc tụng ngợi khen cảm tạ LTXC đã hiện diện và tỏ hiện nơi quí anh, những tu sĩ Đồng Công sống đời tận hiến bé nhỏ hoàn toàn tín thác vào Đấng Quan Phòng Thần Linh, nên Chúa mới chiếm đoạt quí anh, biến đổi quí anh và thực hiện những việc lạ lùng cao cả qua quí anh, mà theo tự nhiên quí anh không thể nào làm được, ở những nơi dường như bị bỏ rơi và bỏ hoang trong Giáo phận, không vị giáo sĩ nào của Giáo phận màng tới và dám tới.

Thế mà quí anh, vì tinh thần tận hiến, được thể hiện qua đức tin tuân phục hay tuân phục theo đức tin (the obedient faith / the obience of faith - xem Roma 1:5), bằng đức vâng lời con thơ phó thác, đã có thể chịu đựng tất cả những gì là khốn khổ, như quí anh ở Giáo họ Hạ Lũng Giáo phận Lạng Sơn; thậm chí quí anh còn có thể biến bãi xương khô rời rạc thành một đạo binh uy hùng (xem Êzêkiên 37:1-10), như ở Giáo xứ Văn Thạch Giáo phận Bắc Ninh và Giáo xứ Xẻo Tam ở Giáo phận Long Xuyên; và cho dù ở những "vùng trắng" về tôn giáo, như ở Giáo phận Kontum miền tây nguyên, nơi quí anh đã từng bị gọi lên làm việc, quí anh vẫn khéo léo lập được một Giáo họ Tam An ở Đắk Pơ, có nguyện đường đàng hoàng, thay cho ngôi nhà trống mái và làm lễ ngay ngưỡng cửa ngày xưa; hay như ở Giáo phận Mỹ Tho miền nam, nơi chưa thể có được một giáo điểm công khai chính thức nào, cả 5-6 năm nay, thế mà quí anh vẫn có thể ban Bí tích Thánh Tẩy tái sinh cho những tâm hồn lương dân nhận biết Chúa Kitô qua đời Sống Thánh Chứng Nhân Đồng Công của quí anh.

Quí anh linh mục thừa sai Đồng Công quả thực là một bụi gai, một bụi giai với đầy những gian nan khốn khó thử thách trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của Dòng mà chính bản thân quí anh đã phải chịu đựng, nhưng nhờ tinh thần tận hiến sống thơ ấu thiêng liêng như Người tỳ nữ xin vâng Đồng Công, vì vinh danh Chúa và cho phần rỗi của các linh hồn, mà qua cuộc đời truyền giáo của quí anh, Dòng Đồng Công đã chẳng những không bị thiêu rụi trong sứ vụ truyền giáo và công cuộc truyền giáo của mình, như thân phận Đồng Công của dòng cũng đã từng trải qua, khi vị sáng lập còn sống sau năm 1975, nhất là vào năm 1987 và trước khi ngài qua đời năm 2007, mà còn trở thành một Bụi Lửa Thương Xót, một thứ lửa được "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16) mang xuống trái đất này để làm cho nó bừng cháy lên (xem Luca 12:49) trên thập tự giábiến Thánh Giá thành một Ngọn Đuốc Thương Xót, được châm vào từng vị tông đồ chứng nhân tiên khởi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, một Ngọn Đuốc Thương Xót vẫn tiếp tục cháy sáng, dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, nơi các vị tử đạo và thừa sai nhân chứng, trong đó có anh em tu sĩ Thừa Sai Thương Xót Đồng Công.

Theo em, quí linh mục tu sĩ Đồng Công Thừa Sai Thương Xót chứng nhân của chúng ta là hoa trái của Hạt Lúa Miến QP mục nát đi, những vị thừa sai đã thấm nhuần tinh thần Sống Thánh Chứng Nhân Đồng Công của Anh, đã "trở nên như những con trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3) để LTXC chiếm đoạt và biến đổi, đến độ, dù ý thức hay không ý thức, không phải quí anh sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong quí anh (xem Galata 2:20), nhờ đó, chính quí anh linh mục thừa sai Đồng Công mới đã, đang và sẽ có thể và xứng đáng thu lượm muôn vàn hoa trái truyền giáo ở các khu vực truyền giáo của quí anh, phát sinh từ Giọt Máu Trổ Bông QP, trong thời điểm bát ngát chín vàng của một Mùa Gặt Thương Xót!

Như thế, quí tu sĩ Đồng Công sống đời tận hiến thơ ấu thiêng liêng trong LTXC và cho LTXC như Mẹ Đồng Công dưới chân thập giá Chúa (xem Gioan 19:25), dù không thực sự là thành phần linh mục thừa sai truyền giáo tiêu biểu của dòng ở các khu vực truyền giáo mà dòng đã đáp ứng lời mời gọi của các giáo phận "đến để phục vụ" (Mathêu 20:28), nhưng vì Đồng Công là một hội dòng truyền giáo của Giáo Hội và trong Giáo Hội, được Giáo Hội chính thức công nhận để dòng được khai sinh đúng 70 năm trước đây (2/2/1953-2023), mà tu sĩ của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc đã cùng với toàn thể anh em dòng, bao gồm cả những người đã ra đi trước, trở thành một thực tại Thần Hiển của LTXC trong Mùa Gặt Thương Xót ở Việt Nam vậy: Magnificat anima mea dominum - Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!

 

Nam California 25/1/2023, Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại trở lại.

THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL.

 








Nếu cần, xin xem lại toàn bộ về Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng bằng cách bấm vào cái hình trên đây,

nếu bị trục trặc thì cũng có thể bấm vào cái link dưới đây:
Đồng Công: 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng

Xin đón coi tiếp